logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Cảnh báo sốt xuất huyết Dengue: Dễ nhầm với cúm, không nên chủ quan

Ngày đăng: 25/6/2025

(TAP) - Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thường bị nhầm lẫn với cúm thông thường do có triệu chứng tương tự. Tuy nhiên, sự chủ quan khi tự điều trị tại nhà có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Nhiều trường hợp chỉ đến bệnh viện khi đã sốt cao, xuất huyết – lúc này tiểu cầu trong máu đã giảm rất thấp, đẩy người bệnh vào giai đoạn nguy hiểm.

Cảnh báo sốt xuất huyết Dengue: Dễ nhầm với cúm, không nên chủ quan

Sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm thường bị nhầm lẫn với cúm thông thường do có triệu chứng tương tự (Ảnh minh họa)

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), sốt xuất huyết Dengue do vi-rút Dengue gây ra, lây truyền qua muỗi, chủ yếu là muỗi vằn Aedes aegypti. Có bốn týp huyết thanh vi-rút Dengue gây bệnh gồm: DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Bệnh có thể gây các triệu chứng giống cúm nặng và trong một số trường hợp tiến triển thành tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong. 

Cụ thể, sau thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày kể từ khi bị muỗi đốt, người bệnh thường bắt đầu sốt cao (tới 40°C), kèm theo ít nhất hai trong số các triệu chứng sau: Đau đầu dữ dội; Đau sau hốc mắt; Đau cơ, khớp hoặc xương; Buồn nôn, nôn; Nổi hạch; Phát ban, nổi mẩn ngứa. Giai đoạn nguy kịch thường bắt đầu từ ngày thứ 3 đến thứ 7 kể từ khi xuất hiện triệu chứng. 

Đáng lưu ý, thân nhiệt giảm không đồng nghĩa với việc đang hồi phục. Ngược lại, đây có thể là dấu hiệu báo động chuyển sang sốt xuất huyết Dengue nặng. Các triệu chứng cảnh báo gồm: Đau bụng dữ dội; Nôn ói liên tục; Chảy máu chân răng, lợi; Nôn ra máu; Mệt mỏi bất thường, bồn chồn; Thở nhanh. Nếu không được điều trị kịp thời, sốt xuất huyết Dengue nặng có thể dẫn đến: Thất thoát huyết tương, gây sốc, tích tụ dịch, suy hô hấp; Chảy máu nặng; Tổn thương các cơ quan nội tạng.

Dịch bệnh này phổ biến ở các quốc gia có khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển. Trong 50 năm qua, tỷ lệ mắc mới đã tăng hơn 30 lần. WHO ước tính mỗi năm có khoảng 50 -100 triệu ca mắc sốt xuất huyết Dengue trên toàn cầu với khoảng 3 tỷ người đang sinh sống tại các vùng lưu hành dịch. Đáng lo ngại, với khả năng thích ứng cao, muỗi truyền bệnh có thể mở rộng phạm vi hoạt động lên tới các khu vực ôn đới trong mùa hè như phía bắc châu Âu hay Bắc Mỹ.

Cảnh báo sốt xuất huyết Dengue: Dễ nhầm với cúm, không nên chủ quan

WHO ước tính mỗi năm có khoảng 50 -100 triệu ca mắc sốt xuất huyết Dengue trên toàn cầu. Nguồn: World Health Organization

Tại Việt Nam, một trường hợp điển hình gần đây là một nam sinh viên tự điều trị tại nhà suốt 5 ngày, chỉ đến viện khi đã sốc nặng, máu cô đặc, phải thở máy và lọc máu. Câu chuyện được Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam đăng tải ngày 24/6 (giờ Việt Nam) như lời cảnh tỉnh về tình trạng điều trị sai cách. Đồng thời, cổng thông tin này dẫn lời PGS.TS.BS Đỗ Duy Cường – Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh: “Người dân không nên chủ quan nếu thấy lên cơn sốt, đau cơ khớp. Nếu trong gia đình, cơ quan, khu vực mình sống có người bị sốt xuất huyết Dengue (SXHD) thì nên đưa đến các cơ sở y tế làm xét nghiệm công thức máu và xét nghiệm kháng nguyên. Xét nghiệm chẩn đoán rất nhanh và tiện lợi”. 

BS Đỗ Duy Cường cho biết: “Từ ngày thứ tư trở đi mới có biểu hiện giảm tiểu cầu, xuất huyết,… Những ngày đầu khó phát hiện nhưng với xét nghiệm hiện nay đã có thể phát hiện sốt từ những ngày đầu tiên”. Ông chỉ rõ: “Một số người dân có thói quen dùng thuốc kháng sinh, thuốc corticoid hay tự ý truyền dịch, truyền đạm, điều này không đúng khuyến cáo của Bộ Y tế. Năm 2023, Bộ Y tế đã ra hướng dẫn mới về chi tiết chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh SXHD. Người dân hết sức lưu ý cập nhật thông tin đúng để tránh tình trạng nặng, vào viện muộn, xử trí sai dẫn tới tử vong”.

Cảnh báo sốt xuất huyết Dengue: Dễ nhầm với cúm, không nên chủ quan

Phòng ngừa và phát hiện sớm chính là chìa khóa quan trọng bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng (Ảnh minh họa)

Vì vậy, phòng ngừa và phát hiện sớm chính là chìa khóa quan trọng bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng. Việc kiểm soát hiệu quả trứng, bọ gậy (ấu trùng), loăng quăng (nhộng) sẽ hạn chế sự phát triển của muỗi trưởng thành, từ đó giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh. Những khu vực cần đặc biệt lưu ý như: 

  1. Trong nhà: bẫy kiến, bình hoa, chậu cây và đĩa hứng nước bên dưới, bể chứa nước sinh hoạt (nhà tắm, nhà vệ sinh,…), thùng nhựa, hộp đựng không dùng đến, chai lọ không đậy kín,…

  2. Ngoài trời: vật dụng phế thải (chai nhựa, lon nước, hộp kim loại,…), lốp xe cũ bỏ đi (xe máy, ô tô, xe đạp), vật dụng chứa nước tự chế, các khu vực ứ đọng nước (hốc cây, công trường, ổ gà,…), lu, vại, chum đựng nước mưa, vỏ cây, vỏ dừa, vỏ trái cây khô, kẽ lá tre, nứa quanh nhà, thuyền, bè hoặc thiết bị ẩm ướt,…

Ngoài ra, mọi người cần đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước sinh hoạt hoặc loại bỏ những vật không cần thiết; vệ sinh định kỳ (ít nhất 1 lần/ tuần) nhằm diệt trứng, ấu trùng muỗi bám trên thành vật dụng. Sốt xuất huyết Dengue chỉ có thể được kiểm soát hiệu quả khi có sự đồng lòng từ cộng đồng. Khi từng hộ gia đình tự nguyện xóa bỏ các ổ bọ gậy trong nhà, chuỗi lây truyền bệnh sẽ bị cắt đứt. 

Hành động nhỏ – hiệu quả lớn, cùng nhau bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh.

Trang Thanh

Loading comments...

Bài viết liên quan

mới nhất

Quảng cáo

Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px