(TAP) - Từ ngày 1/7/2025, hệ thống chính quyền địa phương hai cấp gồm cấp tỉnh và cấp xã của Việt Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động trên toàn quốc. Đây là một phần trong cuộc cải tổ lớn của nước này nhằm tinh gọn bộ máy chính trị từ trung ương đến địa phương.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ Việt Nam (Vietnam Government Portal, viết tắt: VGP) ngày 11/6 dẫn lời Phó Thủ tướng Thường trực – ông Nguyễn Hòa Bình nói rằng, vào ngày 30/6, toàn bộ 34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam sẽ công bố danh sách lãnh đạo và ranh giới hành chính mới. Theo VGP, việc công bố này là bước chuẩn bị cuối cùng trước khi hệ thống chính quyền hai cấp chính thức đi vào vận hành.
Phát biểu trước phiên họp Quốc hội Việt Nam cùng ngày (11/6), ông Trương Hoà Bình cho biết, hệ thống chính quyền mới được kỳ vọng sẽ góp phần giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tiết kiệm ngân sách phục vụ quá trình phát triển.
Phó Thủ tướng Thường trực Việt Nam Nguyễn Hòa Bình cho biết, mô hình chính quyền địa phương hai cấp ở nước này sẽ chính thức hoạt động từ tháng 7. Nguồn: Vietnam Government Portal
Trong thời gian qua, Việt Nam đã tiến hành cuộc cách mạng cải tổ hệ thống chính trị có quy mô lớn chưa từng có. Ở cấp trung ương, nhiều cơ quan đã được giải thể hoặc sáp nhập, bao gồm bốn cơ quan của Đảng, năm ủy ban của Quốc hội, năm bộ và ba cơ quan thuộc Chính phủ. Tại cấp địa phương, số tỉnh và thành phố giảm từ 63 xuống còn 34. Các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ bị giải thể, trong khi số xã giảm mạnh từ hơn 10.000 xuống còn hơn 3.300 thông qua sáp nhập. Cuộc tái cấu trúc này dẫn đến việc ít nhất 230.000 cán bộ, công chức phải nghỉ hưu sớm hoặc chuyển sang khu vực ngoài nhà nước – tức kinh tế tư nhân.
Được khởi xướng bởi Tổng Bí thư nước này – ông Tô Lâm, cuộc cải tổ toàn diện đặt mục tiêu hiện đại hóa bộ máy hành chính, thúc đẩy hiệu quả quản lý công và tối ưu hóa nguồn lực quốc gia. Qua đó, Việt Nam hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045. Việc triển khai chính quyền địa phương hai cấp được đánh giá là bước đi quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn này, đồng thời thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc đổi mới, cải cách một cách toàn diện, đồng bộ.
Những thay đổi mới được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Nguồn: Facebook “Viet Nam Government Portal”
Nhu Torido