(TAP) - Trong thời đại 4.0, thành công không chỉ đến từ kiến thức sách vở mà còn phụ thuộc vào những kỹ năng mềm. Dù có kiến thức chuyên môn giỏi, nhiều bạn trẻ vẫn gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống chỉ vì thiếu khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý cảm xúc. Vậy làm thế nào để rèn luyện những kỹ năng quan trọng này?
Kỹ năng mềm (soft skills) là tập hợp các năng lực liên quan đến cách con người tương tác, làm việc, giao tiếp với người khác cũng như cách họ quản lý bản thân trong công việc và cuộc sống (Ảnh minh họa)
Kỹ năng mềm (soft skills) là tập hợp các năng lực liên quan đến cách con người tương tác, làm việc, giao tiếp với người khác cũng như cách họ quản lý bản thân trong công việc và cuộc sống. Khác với kỹ năng cứng (hard skills) - kiến thức chuyên môn mang tính kỹ thuật, kỹ năng mềm thiên về yếu tố cá nhân, cảm xúc, nhận thức, giúp con người tương tác hiệu quả, thích nghi linh hoạt, làm chủ cuộc sống.
Một số kỹ năng mềm cần thiết bao gồm: Kỹ năng giao tiếp (khả năng lắng nghe, trình bày rõ ràng, phản hồi hiệu quả); Kỹ năng làm việc nhóm (khả năng hợp tác, chia sẻ và phối hợp với người khác); Kỹ năng giải quyết vấn đề (biết phân tích tình huống, đưa ra phương án phù hợp); Tư duy phản biện (suy nghĩ logic, đánh giá thông tin khách quan); Kỹ năng quản lý thời gian (sắp xếp công việc hiệu quả, tránh trì hoãn); Kỹ năng thích nghi và linh hoạt (điều chỉnh thái độ và hành vi phù hợp với hoàn cảnh thay đổi); Kỹ năng lãnh đạo (dẫn dắt nhóm, truyền cảm hứng, ra quyết định); Trí tuệ cảm xúc (nhận diện, kiểm soát cảm xúc bản thân và thấu hiểu cảm xúc người khác)...
Có thể thấy, những kỹ năng sống tưởng chừng nhỏ nhặt lại đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với người trẻ trong bối cảnh hiện đại. Việc thiếu hụt các kỹ năng này không chỉ tạo ra trở ngại trong học tập và công việc, mà còn tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến khủng hoảng tâm lý. Giữa thời đại mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, áp lực về hình ảnh cá nhân, thành tích và sự so sánh không ngừng đã đẩy nhiều học sinh, sinh viên vào trạng thái lo âu, thậm chí rơi vào trầm cảm. Khi đối mặt với thất bại hay xung đột, không ít người trẻ vì thiếu kỹ năng ứng phó đã lựa chọn hướng giải quyết tiêu cực.
Trên thị trường lao động, kỹ năng mềm ngày càng được đánh giá cao (Ảnh minh họa)
Hơn nữa, trên thị trường lao động, kỹ năng mềm ngày càng được đánh giá cao. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (World Economic Forum), yếu tố như giao tiếp, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề chiếm tới 75% khả năng thành công trong công việc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều sinh viên dù sở hữu tấm bằng loại ưu tú vẫn bối rối khi tham gia phỏng vấn, không biết cách trình bày ý tưởng hoặc hợp tác hiệu quả với đồng nghiệp. Những hạn chế này khiến họ đánh mất nhiều cơ hội nghề nghiệp giá trị, dù năng lực chuyên môn hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
Các ví dụ trên chỉ là phần nổi của tảng băng chìm về hệ lụy khi thiếu kỹ năng mềm trong đời sống hiện đại. Thành công hôm nay không chỉ đo bằng điểm số hay bằng cấp, mà còn phụ thuộc vào khả năng thích ứng với nghịch cảnh, tư duy chủ động nắm bắt cơ hội và sự linh hoạt để phát triển bền vững. Muốn đạt được điều đó, việc rèn luyện và trang bị kỹ năng sống rất quan trọng, đòi hỏi mỗi người trẻ cần nghiêm túc học hỏi và thực hành mỗi ngày.
Kiến thức sách vở rất cần thiết nhưng kỹ năng sống mới là yếu tố giúp người trẻ tồn tại, phát triển bền vững trong hành trình trưởng thành (Ảnh minh họa)
Tuy vậy, trong xã hội hiện đại vẫn còn không ít học sinh dù có thành tích học tập nổi bật, bảng điểm đáng ngưỡng mộ vẫn chưa trang bị cho mình kỹ năng mềm cơ bản như: nấu một bữa cơm, giặt quần áo, tự chăm sóc bản thân, giao tiếp, quản lý chi tiêu cá nhân, quản lý cảm xúc… Bước chân vào môi trường đại học hoặc bắt đầu cuộc sống tự lập, nhiều bạn trẻ mới nhận ra mình như “cá mắc cạn” vì thiếu nền tảng kỹ năng sống. Không ít sinh viên năm nhất phải chật vật với việc cân bằng thời gian học tập và nghỉ ngơi, xoay xở tài chính hay duy trì sức khỏe mà không còn sự hỗ trợ thường trực từ gia đình. Có người tiêu hết sinh hoạt phí chỉ trong nửa tháng, có người mất ngủ triền miên vì không biết cách quản lý lịch trình học tập hiệu quả.
Kiến thức sách vở rất cần thiết nhưng kỹ năng sống mới là yếu tố giúp người trẻ tồn tại, phát triển bền vững trong hành trình trưởng thành. Để trau dồi kỹ năng mềm, các bạn trẻ có thể bắt đầu từ hoạt động gần gũi trong đời sống như tham gia câu lạc bộ, chương trình tình nguyện, hoặc đảm nhận vai trò lãnh đạo nhóm trong dự án học tập. Bên cạnh đó, việc thường xuyên giao tiếp, lắng nghe và hợp tác với người khác cũng góp phần rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và giải quyết vấn đề. Ngoài ra, đọc sách kỹ năng, tham gia khóa học ngắn hạn hay trải nghiệm thực tế thông qua công việc bán thời gian cũng là cách hiệu quả giúp phát triển bản thân toàn diện.
Thế hệ trẻ ngày nay đừng ngại bước ra khỏi vùng an toàn, đừng e sợ vấp ngã đầu đời. Hãy bắt đầu từ điều nhỏ nhất - tự chăm sóc bản thân, quản lý chi tiêu hay đơn giản là học cách nói "không" đúng lúc. Hôm nay bạn dám sống tự lập, ngày mai bạn sẽ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình - một công dân thời đại mới không chỉ giỏi chuyên môn mà còn vững kỹ năng, sẵn sàng đón nhận mọi thử thách cuộc sống.
Phương Vi