(TAP) - Trong kho tàng di sản văn hóa dân gian của người Hà Nhì (tỉnh Lào Cai, Việt Nam), không thể không nhắc đến lễ hội Khô già già. Cùng với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lễ hội còn mang lại không khí chứa đựng tình cảm gắn bó ở cuộc sống lao động, tình yêu con người cộng đồng.
Theo công trình nghiên cứu Các dân tộc ít người ở Việt Nam của Viện Dân tộc học (1978), tên gọi “Khô già già” theo tiếng Hà Nhì có nghĩa “bội thu”. Dân tộc Hà Nhì vốn xuất thân từ cư dân nông nghiệp, cuộc sống sinh kế vừa canh tác lúa nước trên ruộng bậc thang, vừa cấy lúa, trồng hoa màu trên nương rẫy đã tạo cho con người nơi đây có nhu cầu về văn hóa tâm linh mà lễ hội Khô già già là nơi thỏa mãn nhu cầu ấy. Trong tâm thức của họ, lễ hội như thành tố văn hóa gắn bó mật thiết với nghi lễ, vừa thiêng liêng vừa mãnh liệt. Lễ hội ra đời cùng niềm mong về mùa gặt hái thuận lợi cũng như thể hiện tinh thần đoàn kết giữa những người đồng tộc.
Địa điểm tổ chức lễ hội thường nằm ở bãi đất trống tại khu rừng thiêng của bản làng. Theo lời truyền lại từ các bậc cao niên, khu rừng thiêng là nơi thần linh trú ngụ, thường có có cây gỗ quý sinh trưởng lâu năm. Người dân tuyệt đối không xâm phạm, chặt phá cây cối hay đặt chân đến nơi đây ngày thường. Chỉ ở dịp lễ hội, sau khi hoàn thành các nghi thức cúng tế, mọi người mới được phép bước vào rừng để tham gia các hoạt động phần hội.
Điều này cho thấy, đối với người Hà Nhì, rừng không chỉ cung cấp nguồn nước, bảo vệ cộng đồng mà còn là không gian diễn xướng thực hành nghi lễ; mang đậm nét đặc trưng tín ngưỡng dân gian thờ đa thần theo thuyết linh hồn giáo: Mọi vật, mọi nơi đều có thần trú ngụ. Thông thường, mỗi bản làng người Hà Nhì thường có 4 khu rừng thiêng: Rừng Gạ ma do (cúng thần làng); rừng Mu tu do (cúng nữ thần mùa màng trước khi chuẩn bị gieo mạ); rừng Thổ ti (thờ cúng vị thần bảo vệ làng); rừng công viên (A gờ lạ do) - nơi diễn ra các nghi lễ cộng đồng. Lễ hội Khô già già sẽ diễn ra tại khu rừng công viên. Trung tâm không gian thiêng đó là nhà công viên được dân làng dựng lên. Nhà công viên không có vách tường giống như nhà ở mà chỉ có khung nhà, sàn làm bằng gỗ, trên mái lợp cỏ tranh - nơi các gia đình mang lễ vật ra cúng thần và mời mọi người thụ hưởng sau nghi lễ buổi tối ngày thứ ba.
Thầy cúng làm lễ cúng thần linh. Nguồn: Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai.
Hằng năm, lễ hội Khô già già tổ chức từ ngày Thìn (ngày con rồng) đến ngày Thân (ngày con khỉ) tháng 6 âm lịch (tức ngày 04 đến 06/6 âm lịch). Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, lễ hội năm nay diễn ra từ ngày 28 đến 30/6/2025 (dương lịch). Địa điểm tổ chức tại các thôn, bản đông người Hà Nhì sinh sống tại các xã: Y Tý, A Lù, Nậm Pung, Trịnh Tường.
Vào buổi sáng ngày đầu tiên (28/6), bà con trong bản cùng nhau chuẩn bị khu vực tổ chức lễ hội. Dân làng đi lấy cỏ tranh, tre và vật liệu để lợp lại mái nhà - nơi tiến hành nghi lễ. Việc sửa sang, làm mới không gian diễn ra sự kiện mang ý nghĩa thanh lọc, xua đi nhiều điều cũ kỹ, đón chào tương lai tốt đẹp, khởi đầu năm sản xuất đầy hy vọng. Những người đàn ông Hà Nhì khỏe mạnh đảm nhận công việc dựng lán, sửa mái, thể hiện tinh thần gắn bó, đồng lòng của cộng đồng.
Ngày thứ hai lễ hội (29/6) diễn ra nghi lễ mổ trâu. Theo quan niệm người Hà Nhì, con trâu mổ vào ngày này được lựa chọn kỹ càng trước 1 tháng diễn ra lễ hội. Trâu phải là trâu đực, lớn, chăm sóc cẩn thận chuẩn bị cho ngày tế lễ. Sau khi nghi thức hoàn tất, thịt trâu chia đều cho cả làng bản. Mỗi gia đình tham gia buổi lễ chuẩn bị mâm lễ vật gồm thịt trâu, rượu và các sản vật tự tay làm ra như thịt lợn, thịt gà, trứng, lạc, đỗ tương, bí, dưa chuột,... Rước từ nhà ra rừng góp với làng, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đến tổ tiên, cầu xin sự che chở, phù hộ cho cả gia đình.
Ngày cuối cùng của lễ hội (30/6), là thời điểm sôi động nhất. Từ sáng sớm, các thanh niên tổ chức lên rừng kiếm gỗ, dây leo dựng đu quay, đu dây và các trò chơi truyền thống khác. Chiều tối, thầy cúng và đại diện các gia đình chuẩn bị mâm lễ mang ra lán thờ, cùng làm lễ cúng thần linh. Nghi lễ được tiến hành quanh khu vực đu quay, thể hiện khát vọng về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng no đủ, sự bình an cho mọi người. Sau khi kết thúc lễ cúng, dân bản thực hiện tập tục kiêng không chặt cây, phát cỏ, băm chặt trong ba ngày nhằm thể hiện lòng tôn trọng, biết ơn với rừng thiêng, thần linh.
Người dân chia thịt trâu cho các hộ gia đình trong thôn. Nguồn: Cổng Thông tin đối ngoại tỉnh Lào Cai.
Phần hội luôn là thời khắc tưng bừng, tràn ngập tiếng cười. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật và trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, đu quay, nhảy bao bố tổ chức sôi nổi, thu hút không chỉ người dân địa phương mà còn cả du khách từ khắp nơi. Đây cũng là dịp các thành viên gia đình sum họp, con cháu ở xa trở về thăm quê, mừng lễ tết sau thời gian làm lụng vất vả. Đối với nhiều thanh niên, lễ hội tạo cơ hội gặp gỡ, làm quen, tìm hiểu bạn đời tương lai, thể hiện những nét văn hóa ứng xử, tình yêu đôi lứa giữa bầu không khí vui tươi, nhộn nhịp.
Với tất cả ý nghĩa trên, vào năm 2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam chính thức ghi danh lễ hội Khô già già vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, thuộc loại hình Lễ hội truyền thống. Tiếp nối những giá trị đó, huyện Bát Xát không ngừng tổ chức lễ hội bài bản, trang trọng; đồng thời giữ nguyên vẹn nét độc đáo bản sắc dân tộc, thu hút đông đảo sự quan tâm của du khách và hướng đến phát triển du lịch tại địa phương theo hướng bền vững.
Phuong Anh