(TAP) - Dù mùa hè thường được xem là thời điểm lý tưởng cho các hoạt động vui chơi, du lịch, nhưng nếu không chú ý bảo vệ sức khỏe, người lớn lẫn trẻ nhỏ đều có thể bị "đánh gục" bởi nắng nóng. Vậy làm thế nào để tăng cường sức đề kháng, duy trì hệ miễn dịch khỏe mạnh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt? Những gợi ý sau sẽ giúp bạn và gia đình chủ động hơn trong việc chăm sóc cơ thể suốt mùa hè.
Dù mùa hè thường được xem là thời điểm lý tưởng cho các hoạt động vui chơi, du lịch, nhưng nếu không chú ý bảo vệ sức khỏe, người lớn lẫn trẻ nhỏ đều có thể bị "đánh gục" bởi nắng nóng (Ảnh minh họa)
Những ngày gần đây, thời tiết tại nhiều tỉnh, thành ở Việt Nam bước vào giai đoạn nắng nóng cực điểm, có nơi ghi nhận nền nhiệt ngoài trời vượt ngưỡng 40 độ C. Nền nhiệt cao, độ ẩm thấp, thời gian nắng kéo dài không chỉ gây khó chịu mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe; đặc biệt ở nhóm đối tượng nhạy cảm như trẻ em, người cao tuổi, người lao động ngoài trời hoặc người có bệnh nền.
Một trong những nguy cơ phổ biến nhất là say nắng và sốc nhiệt. Hiện tượng này xảy ra khi cơ thể bị quá tải nhiệt do tiếp xúc lâu với môi trường nắng gắt làm rối loạn điều hòa thân nhiệt. Các biểu hiện thường thấy bao gồm: đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, thậm chí ngất xỉu và hôn mê nếu không xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, thời tiết oi bức cũng khiến cơ thể mất nước, rối loạn điện giải dẫn đến mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến chức năng tim mạch. Ngoài ra, thói quen sử dụng điều hòa không đúng cách như điều chỉnh nhiệt độ quá thấp, thay đổi nhiệt đột ngột khi đi từ ngoài trời vào phòng lạnh…có thể gây viêm đường hô hấp, đau họng, cảm lạnh hoặc co thắt phế quản ở người có tiền sử hen suyễn.
Thời tiết oi bức cũng khiến cơ thể mất nước, rối loạn điện giải dẫn đến mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến chức năng tim mạch (Ảnh minh họa)
Một vấn đề khác không thể bỏ qua là nguy cơ ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa do thực phẩm dễ ôi thiu, nhiễm khuẩn trong điều kiện bảo quản không đảm bảo. Hơn nữa, Không giống như mùa đông - khi các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp có xu hướng gia tăng, mùa hè lại tác động đến hệ miễn dịch theo cách âm thầm nhưng không kém phần nguy hiểm. Nhiệt độ cao kích thích cơ thể tiết nhiều mồ hôi dẫn đến tình trạng mất nước và hao hụt các khoáng chất thiết yếu như natri, kali, magie vốn đóng vai trò quan trọng trong hoạt động của hệ thần kinh và miễn dịch. Khi mất nước kéo dài mà không được bù đắp đúng cách, tuần hoàn máu trở nên kém hiệu quả, giảm khả năng vận chuyển tế bào miễn dịch đến các cơ quan cần bảo vệ.
Thói quen ăn uống mùa hè cũng có thể làm hệ miễn dịch suy yếu nếu không được kiểm soát hợp lý (Ảnh minh họa)
Đồng thời, thói quen ăn uống mùa hè cũng có thể làm hệ miễn dịch suy yếu nếu không được kiểm soát hợp lý. Việc tiêu thụ nhiều đồ lạnh, nước có gas, thực phẩm chế biến sẵn để “giải nhiệt” ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tiêu hóa, giảm khả năng hấp thụ vitamin, dưỡng chất. "Bên cạnh đó, vào mùa hè, thói quen thức khuya, tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử hay cái nóng oi bức khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ. Điều này không chỉ đảo lộn nhịp sinh học mà còn kéo theo sự sụt giảm melatonin – hormone vàng điều hòa giấc ngủ, "trợ thủ đắc lực" của hệ miễn dịch trong cuộc chiến chống lại vi khuẩn, virus."
Tất cả những yếu tố này kết hợp lại tạo nên một chuỗi tác động làm cơ thể dễ suy yếu, tăng nguy cơ mắc bệnh, từ cảm cúm thông thường đến các bệnh lý viêm nhiễm nghiêm trọng hơn. Nếu không có biện pháp chủ động phòng ngừa, mùa hè sẽ trở thành “thời điểm vàng” của nhiều loại bệnh lý nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng sống, khả năng lao động, học tập. Để duy trì một hệ miễn dịch khỏe mạnh trong mùa hè, điều quan trọng là xây dựng lối sống điều độ, kết hợp giữa chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và cách ứng phó thông minh với thời tiết.
Trước hết, cơ thể cần được cung cấp tối thiểu 2 - 2,5 lít nước mỗi ngày, ưu tiên nước lọc, nước dừa, nước ép trái cây tự nhiên hoặc trà thảo mộc hỗ trợ quá trình giải độc, điều hòa thân nhiệt. Mọi người nên tránh uống quá nhiều nước đá hoặc đồ uống có gas, caffein dễ gây mất nước, rối loạn tiêu hóa. Về mặt dinh dưỡng, một chế độ ăn giàu vitamin và khoáng chất là chìa khóa để tăng cường sức đề kháng. Các thực phẩm giàu vitamin C (như cam, dứa, ổi), vitamin A và E (như cà rốt, bí đỏ, hạt óc chó, dầu thực vật), kẽm và selen (có trong hải sản, trứng, ngũ cốc nguyên cám) cần được bổ sung thường xuyên nhằm nâng cao khả năng chống lại tác nhân gây bệnh.
Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa hợp lý dao động từ 26–28°C, kèm theo việc mở hé cửa hoặc sử dụng quạt nhẹ để lưu thông không khí giúp cơ thể thích nghi mà không bị sốc nhiệt (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, giấc ngủ đóng vai trò không thể thiếu. Người trưởng thành cần duy trì ít nhất 7 - 8 tiếng ngủ chất lượng mỗi đêm trong môi trường thoáng mát, hạn chế ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử trước giờ ngủ. Điều chỉnh nhiệt độ điều hòa hợp lý dao động từ 26–28°C, kèm theo việc mở hé cửa hoặc sử dụng quạt nhẹ để lưu thông không khí giúp cơ thể thích nghi mà không bị sốc nhiệt. Cuối cùng, việc bảo vệ da và cơ thể khi ra nắng cũng là một phần quan trọng nhằm bảo vệ hệ miễn dịch: sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF phù hợp, đội mũ rộng vành, đeo kính râm, mặc quần áo dài tay và ưu tiên ở trong bóng râm từ 10h sáng đến 3h chiều – thời điểm tia UV mạnh nhất.
Những thay đổi nhỏ nhưng đều đặn trong thói quen hằng ngày chính là “lá chắn” giúp cơ thể chống lại tác động tiêu cực của mùa hè và duy trì trạng thái khoẻ mạnh bền vững.
Trang Thanh