logo-tapnews
tiếng nói người Việt toàn cầu

Việt Nam bước vào thời kỳ kiến tạo mới với chính quyền hai cấp

Ngày đăng: 30/6/2025

(TAP) - Từ 8 giờ sáng ngày 30/6 (giờ Việt Nam), tại 34 tỉnh, thành phố tại Việt Nam đồng loạt diễn ra "Lễ công bố các Nghị quyết, Quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính, thành lập các tổ chức Đảng, chỉ định cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc Thành phố, Xã, Phường, đặc khu".

Việt Nam bước vào thời kỳ kiến tạo mới với chính quyền hai cấp

Từ ngày 01/7/2025, Việt Nam chính thức áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (gồm tỉnh và xã) (Ảnh minh họa)

Sự kiện mang tính bước ngoặt này đánh dấu sự khởi đầu của mô hình chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và xã) ở Việt Nam, chính thức vận hành từ ngày 01/7/2025. Đây là một cuộc cải tổ có quy mô chưa từng có trong lịch sử hành chính Việt Nam hiện đại. Toàn quốc sẽ còn lại 34 tỉnh, thành phố và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã.

Theo thông tin từ Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ dự lễ công bố ở điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh. Chủ tịch nước Lương Cường dự lễ công bố ở điểm cầu Thủ đô Hà Nội. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ ở điểm cầu thành phố Hải Phòng. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự lễ công bố ở điểm cầu thành phố Cần Thơ. Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú dự lễ ở điểm cầu thành phố Đà Nẵng. Ngoài ra, nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam cũng đến các địa phương dự lễ công bố.

Việt Nam bước vào thời kỳ kiến tạo mới với chính quyền hai cấp

Tổng Bí thư Tô Lâm dự lễ công bố các nghị quyết, quyết định của Trung ương và địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, kết thúc hoạt động đơn vị hành chính cấp huyện, thành lập tổ chức đảng, chỉ định cấp ủy, HĐND, UBND, MTTQ tỉnh, thành phố, xã, phường, đặc khu tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam

Phát biểu với nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời gửi gắm thông điệp tới nhân dân cả nước, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ: “Đây không chỉ là sự kiện về mặt hành chính mà là bước chuyển mình chiến lược, là đòi hỏi tất yếu khách quan của nhân dân và đất nước trong hành trình xây dựng những vùng động lực phát triển của quốc gia và khu vực, để xứng đáng với khát vọng "Việt Nam hùng cường vào năm 2045". Ông nhận định mô hình này sẽ giúp tăng cường quyền tự chủ, linh hoạt trong điều hành, đồng thời tạo khuôn khổ thể chế rõ ràng để các đô thị vệ tinh, các khu công nghiệp – logistics – dịch vụ cảng biển phát huy hết tiềm năng. Quan trọng hơn hết, nhà nước, chính quyền phục vụ sẽ không còn là khẩu hiệu mà trở thành hành động cụ thể, thực chất, đến tận người dân, doanh nghiệp.”

Việt Nam bước vào thời kỳ kiến tạo mới với chính quyền hai cấp

Bản đồ Việt Nam sau sáp nhập. Nguồn: Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý - Bộ Nông nghiệp và Môi trường Việt Nam

Được biết, từ ngày 01/7/2025, Việt Nam chính thức áp dụng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp (gồm tỉnh và xã). Theo đó, cả nước có 34 tỉnh, thành phố và 3.321 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, 11 tỉnh, thành phố không thực hiện sắp xếp gồm: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Tĩnh, Lai Châu, Lạng Sơn, Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Sơn La và TP Hà Nội, TP Huế. 23 đơn vị hành chính mới được hợp nhất, cùng với diện tích, dân số, GRDP và các tỉnh, thành giáp ranh, cụ thể:

  1. Tỉnh Tuyên Quang (từ Hà Giang và Tuyên Quang): 13.795,50 km²; 1.865.270 người; GRDP 86.246.356 triệu đồng.

  2. Tỉnh Lào Cai (từ Yên Bái và Lào Cai): 13.256,92 km²; 1.778.785 người; GRDP 125.885.803 triệu đồng.

  3. Tỉnh Thái Nguyên (từ Bắc Kạn và Thái Nguyên): 8.375,21 km²; 1.799.489 người; GRDP 185.613.943 triệu đồng.

  4. Tỉnh Phú Thọ (từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình): 9.361,38 km²; 4.022.638 người; GRDP 354.578.739 triệu đồng.

  5. Tỉnh Bắc Ninh (từ Bắc Giang và Bắc Ninh): 4.718,60 km²; 3.619.433 người; GRDP 439.776.542 triệu đồng.

  6. Tỉnh Hưng Yên (từ Hưng Yên và Thái Bình): 2.514,81 km²; 3.567.943 người; GRDP 292.602.496 triệu đồng.

  7. TP Hải Phòng (từ Hải Phòng và Hải Dương): 3.194,72 km²; 4.664.124 người; GRDP 658.381.192 triệu đồng.

  8. Tỉnh Ninh Bình (từ Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình): 3.942,62 km²; 4.412.264 người; GRDP 310.282.050 triệu đồng.

  9. Tỉnh Quảng Trị (từ Quảng Bình và Quảng Trị): 12.700 km²; 1.870.845 người; GRDP 113.687.549 triệu đồng.

  10. TP Đà Nẵng (từ Đà Nẵng và Quảng Nam): 11.859,59 km²; 3.065.628 người; GRDP 279.926.325 triệu đồng.

  11. Tỉnh Quảng Ngãi (từ Kon Tum và Quảng Ngãi): 14.832,55 km²; 2.161.755 người; GRDP 173.526.456 triệu đồng.

  12. Tỉnh Gia Lai (từ Bình Định và Gia Lai): 21.576,53 km²; 3.583.693 người; GRDP 242.007.551 triệu đồng.

  13. Tỉnh Khánh Hòa (từ Ninh Thuận và Khánh Hòa): 8.555,86 km²; 2.243.554 người; GRDP 191.357.151 triệu đồng.

  14. Tỉnh Lâm Đồng (từ Đắk Nông, Bình Thuận, Lâm Đồng): 24.233,07 km²; 3.872.999 người; GRDP 319.878.839 triệu đồng.

  15. Tỉnh Đắk Lắk (từ Phú Yên và Đắk Lắk): 18.096,40 km²; 3.346.853 người; GRDP 198.132.950 triệu đồng.

  16. TP Hồ Chí Minh (từ TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu): 6.772,59 km²; 14.002.598 người; GRDP 2.715.782.233 triệu đồng.

  17. Tỉnh Đồng Nai (từ Bình Phước và Đồng Nai): 12.737,18 km²; 4.491.408 người; GRDP 609.176.602 triệu đồng.

  18. Tỉnh Tây Ninh (từ Long An và Tây Ninh): 8.536,44 km²; 3.254.170 người; GRDP 312.465.603 triệu đồng.

  19. TP Cần Thơ (từ Cần Thơ, Sóc Trăng và Hậu Giang): 6.360,83 km²; 4.199.824 người; GRDP 281.674.628 triệu đồng.

  20. Tỉnh Vĩnh Long (từ Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre): 6.296,20 km²; 4.257.581 người; GRDP 254.479.941 triệu đồng.

  21. Tỉnh Đồng Tháp (từ Đồng Tháp và Tiền Giang): 5.938,64 km²; 4.370.046 người; GRDP 249.534.461 triệu đồng.

  22. Tỉnh Cà Mau (từ Cà Mau và Bạc Liêu): 7.942,39 km²; 2.606.672 người; GRDP 297.735.681 triệu đồng.

  23. Tỉnh An Giang (từ Kiên Giang và An Giang): 9.888,91 km²; 4.952.238 người; GRDP 271.345.883 triệu đồng.

Hoang Nam

 

Loading comments...

Bài viết liên quan

mới nhất

Quảng cáo

Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px
Halfpage_AD_300x600px