(TAP) - Lực lượng chức năng Việt Nam vừa triệt phá một đường dây sản xuất và tiêu thụ dầu ăn giả với quy mô đặc biệt lớn, sử dụng nguyên liệu nhập khẩu vốn chỉ dành cho thức ăn chăn nuôi nhưng lại đưa vào chuỗi thực phẩm tiêu dùng. Trước diễn biến nghiêm trọng này, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế Việt Nam) đã phát đi cảnh báo khẩn về nguy cơ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cộng đồng.
Dầu ăn mang nhãn hiệu Ofood bày bán trên trang thông tin của Công ty Nhật Minh
Cụ thể, theo thông tin từ giới truyền thông Việt Nam ngày 24/6 (giờ Việt Nam), vụ việc do Công an tỉnh Hưng Yên triệt phá, liên quan đến ba công ty: Công ty TNHH Thực phẩm Nhật Minh (chủ nhãn hiệu Ofood), Công ty TNHH An Dương và Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu An Hưng Phước. Đáng chú ý, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu An Hưng Phước là một trong những doanh nghiệp nhập khẩu dầu thực vật hàng đầu tại Việt Nam.
Nhóm đối tượng cầm đầu đã tổ chức quy trình sản xuất tinh vi, sử dụng hệ thống đường ống ngầm chuyển dầu từ bồn chứa nguyên liệu dành cho thức ăn chăn nuôi sang bồn chứa dùng trong chế biến thực phẩm cho người. Sau đó, sản phẩm được dán nhãn "dầu ăn bổ sung vitamin A". Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm từ cơ quan chức năng cho thấy sản phẩm hoàn toàn không chứa vitamin A như công bố. Để hợp thức hóa toàn bộ quy trình, các đối tượng thành lập nhiều công ty bình phong, làm giả hồ sơ công bố sản phẩm nhằm hợp pháp hóa nguồn hàng, đưa ra thị trường tiêu thụ rộng rãi. Dầu ăn giả được cung cấp cho các bếp ăn công nghiệp, nhà hàng, làng nghề chế biến thực phẩm như bim bim, snack, bánh kẹo,…
Hiện Công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố ba đối tượng cầm đầu, đồng thời thu giữ hơn 1.000 tấn dầu không đạt chuẩn. Chỉ trong ba năm, doanh thu từ hoạt động phi pháp lên tới hơn 8.200 tỷ đồng. Một số công ty trong đường dây hoạt động từ 10 đến 14 năm với doanh số hằng năm ước tính khoảng 4.500 tỷ đồng cho thấy mức độ tinh vi và quy mô hết sức lớn.
Phản ứng trước vụ việc trong ngày 24/6, Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế Việt Nam nhấn mạnh đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân. Cơ quan này khuyến cáo các đơn vị chế biến thực phẩm, đặc biệt là bếp ăn tập thể và cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, cần yêu cầu nhà cung cấp xuất trình đầy đủ hồ sơ công bố sản phẩm, nguyên liệu, thay vì chỉ dựa trên bao bì hay nhãn mác.
Ngoài ra, việc sử dụng nguyên liệu phải tuân thủ đúng mục đích công bố. Ngay cả khi có đủ hóa đơn, chứng từ hợp lệ nhưng nguyên liệu không phù hợp với mục đích sử dụng thì đơn vị chế biến cũng không được phép đưa vào chế biến thực phẩm. Khi phát hiện bất thường trong nguyên liệu hoặc sản phẩm, cần thông báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời kiểm tra, xử lý.
Việc tuân thủ đúng mục đích sử dụng nguyên liệu không chỉ là yêu cầu kỹ thuật, mà còn là trách nhiệm pháp lý. Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế Việt Nam nhấn mạnh mọi hành vi cố ý sử dụng nguyên liệu không đảm bảo an toàn hoặc sai với mục đích công bố sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật hiện hành.
Phương Vi